So với thời kỳ diễn ra mùa đông tiền mã hóa năm 2017, giới chuyên gia nhận định rằng những gì thị trường phải trải qua trong giai đoạn này nhiều rủi ro và tiềm tàng nhiều hậu quả nặng nề với nhà đầu tư.
Nửa năm 2022 đã và đang chứng kiến sự đi xuống thị trường, với khoảng 2000 tỷ USD “bốc hơi” kể từ mức đỉnh lập hồi tháng 11 năm 2021.
Bitcoin – đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới mất gần 70% giá trị so với mốc kỷ lục 69,000 USD mỗi đồng hồi năm ngoái. Với dự đoán hiện tại, giới chuyên gia cho rằng “mùa đông này” sẽ không như “mùa đông xưa”.
Tác động do nhiều nhân tố khác xuất hiện
Giai đoạn 2017 – 2018, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác liên tục giảm mạnh sau khi đạt mức đỉnh vào năm 2017. Đáy thấp nhất BTC từng chạm tới vào năm 2018 là 3,122 USD. Tình cảnh này diễn ra khi thị trường tràn ngập các dự án ICO nhưng cuối cùng có tới 70% số đó “chết yểu”.
“Sự sụp đổ của thị trường năm 2017 đa phần là vì bong bóng tiền số vỡ vụn sau khi đạt đỉnh.” – Clara Medalie, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tiền mã hóa Kaiko nói.
Tuy nhiên, những gì xảy ra với thị trường crypto gần đây lại bắt nguồn từ ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô, điển hình do lạm phát kinh tế cao, ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Đây là những yếu tố không hề xuất hiện trong “mùa đông” 2017 – 2018.
Theo giáo sư Carol Alexander – Đại học Sussex, “mùa đông tiền mã hóa” trước đó cũng không có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn ở Phố Wall. Trong khi đó, hiện tại, Bitcoin và các đồng tiền khác lại có mối tương quan lớn với những tài sản rủi ro khác, nhất là cổ phiếu.
Hiệu ứng dây chuyền trên thị trường
Khủng hoảng thanh khoản bắt đầu từ quỹ đầu tư sừng sỏ Three Arrows Capital (3AC) đã mở ra chuỗi ngày đau thương cho toàn bộ ngành công nghiệp tiền số. Sau khi chịu thiệt hại khi “tiếp xúc” với hệ sinh thái Terra từ cú sập LUNA – UST, 3AC đã buộc phải đệ đơn xin phá sản.
Đương nhiên, thảm họa vẫn chưa thể dừng lại, khi các công ty đều có móc nối với nhau. Sự sụp đổ của 3AC kéo theo cả Voyager Digital – công ty trụ sở tại Canada. Công ty này đã ngừng hoạt động sau khi 3AC tuyên bố vỡ nợ với khoản vay 650 triệu USD. Hàng loạt các nhà đầu tư đã bị liên đới, đóng băng tài khoản và không thể rút tiền ra.
Kế đến, sự xuất hiện của các tổ chức cho vay tập trung (CeFi) và tài chính phi tập trung (DeFi) khiến các nhà đầu tư dễ dàng cho việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Song, hiện tại, hệ sinh thái đòn bẩy đã không còn giống như trước đây.
Martin Green, CEO công ty Cambrian Asset Management bình luận rằng cách thức để các công ty nhỏ lẻ vay tiền thường thông qua các giao dịch phái sinh tiền điện tử. Nếu như tình trạng xuống dốc vào năm 2018, các giao dịch này sẽ bị xóa bỏ trên sàn do không đáp ứng đủ mức ký quỹ.
“Trong khi đó, các quỹ tiền số và tổ chức cho vay mới là bên sử dụng đòn bẩy, còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ đầu tư vào các công ty này để kiếm tiền”, chuyên gia Green cho biết.
Bên cạnh đó, Green cũng nhận định việc xuất hiện nhiều quỹ cho vay không có tài sản đảm bảo như hiện tại làm tăng rủi ro đầu tư. Điều này đã được minh chứng gần đây khi thị trường rơi tự do vào quỹ 2/2022, các tổ chức cho vay đành phải bán giải chấp cổ phiếu do không đáp ứng ký quỹ.
Sức ép gia tăng
Theo giáo sư Carol Alexander, ông nhấn mạnh yếu tố tiếp theo tạo nên sự khác biệt của mùa đông tiền điện tử giai đoạn này nằm ở sự mạo hiểm của các công ty tiền số. Sự bất chấp của TerraUSD (hay Terraform Labs) đã tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Celsius là một trong những nạn nhân lớn nhất từ đà giảm này, khi nó từng là một trong những tổ chức cho vay tiền mã hóa lớn trên thế giới. Công ty này đã tuyên bố phá sản gần đây.
Cách vận hành của Celsius nằm ở mức trả lãi “trên trời” đối với khách hàng gửi bằng tiền mã hóa. Sau đó, công ty sẽ cho các nhà giao dịch khác vay nhằm kiếm lời từ phần chênh lệch lãi suất. Những nhà đầu tư tiền mã hóa sẵn sàng trả lãi cao để vay tiền.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này tồn tại sự lỏng lẻo về vấn đề thanh khoản. Ngay khi “mùa đông tiền mã hóa” ập đến, họ thậm chí đóng cửa giao dịch để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt.
“Quý 2 năm 2022 và tháng 6 là thời kỳ khó khăn của thị trường tiền mã hóa khi phải chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt công ty lớn do khả năng đối phó rủi ro kém và sự kiện quỹ 3AC phá sản”, chuyên gia Medalie khẳng định.
Các nhà phân tích dự đoán rằng các công ty tiền điện tử sẽ còn phải vật lộn với các khoản nợ của họ và xử lý các khoản rút tiền của khách hàng. James Butterfill, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại CoinShares dự đoán rằng nạn nhân tiếp theo có thể là sàn giao dịch tiền điện tử và các thợ đào.
Ngay cả những “tay chơi crypto” lâu đời như Coinbase cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường suy giảm. Tháng trước, Coinbase đã sa thải hơn 18% nhân viên để cắt giảm chi phí. Công ty gần đây cũng chứng kiến khối lượng giao dịch sụp đổ cùng với giá tiền kỹ thuật số giảm. Động thái ngừng chương trình tiếp thị liên kết gần đây thậm chí còn làm rộ lên tin đồn Coinbase đứng trước khả năng vỡ nợ.
- Tham gia Telegram của Cafe Coin để theo dõi tin tức mới, nhanh nhất và hấp dẫn nhất: https://t.me/cafecointech
Tham gia các channel khác Cafe Coin tại:
Group Chat (Telegram) | Fanpage | Twitter | Youtube |Tiktok
Có thể bạn quan tâm:
Top 5 sàn giao dịch NFT Marketplace lớn nhất thị trường Crypto